Chủ nghĩa Khắc kỷ hay còn gọi là “Stoicism” là một trường phái triết học được thành lập bởi Zeno ở Athen vào thế kỷ thứ 3 TCN. Stoicism là sự khái quát của 4 phẩm chất mà con người nên theo đuổi đó là: trí tuệ, sự chính trực, nguyên tắc và sự can đảm. Và theo đó, nếu có thể tuân thủ 4 phẩm cách này mọi lúc mọi nơi thì bạn có thể đạt đến hạnh phúc viên mãn.
Sau đây là 5 chiến thuật mà những triết gia theo trường phái Khắc kỷ áp dụng cách đây 2.000 năm mà đến tận ngày nay vẫn được chứng minh là có hiệu quả.
1. Có một hình mẫu lý tưởng
Nếu bạn có một hình mẫu lý tưởng trong tâm trí thì thật tuyệt vời! Hãy tưởng tượng ông ta đang dõi theo bạn và mong muốn bạn trở thành phiên bản tốt nhất có thể. Một hình mẫu lý tưởng là để biến ý thức thành thực tế và sâu trong lòng bạn luôn hiểu đâu là điều tốt nhất cho bản thân.
Luôn tự hỏi hình mẫu lý tưởng của bạn sẽ làm gì trong tình huống đó. Hãy hỏi người mẹ, người cha, người anh, người em, người bạn lý tưởng sẽ làm gì trong tình huống đó. Khi ấy, bạn sẽ có lựa chọn hợp lý nhất.
2. Tự hỏi: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?”
Nếu định làm điều gì đó, luôn tự hỏi mình rằng: “Rủi ro gì đằng sau quyết định của bản thân?”
Đây là bài tập kinh điển những triết gia Khắc kỷ đã áp dụng từ lâu. Điều này là để chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với bạn. Hãy đi trước một bước, dự tính về những điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Nếu ngày mai bạn có cuộc phỏng vấn quan trọng, hãy nghĩ đến tình huống xe bị hỏng dọc đường. Có như vậy, bạn sẽ chuẩn bị tinh thần vững chắc để ứng phó với biến cố có thể xảy ra. Nếu không may xe hỏng thật, bạn cũng sẽ không phát điên mà bình tĩnh tìm cách để giải quyết.
Không ai muốn điều tồi tệ xảy ra cả nhưng chuẩn bị trước cho tình huống đó là điều cần thiết. Nếu có thể tưởng tượng trước một tình huống bất lợi sẽ xảy ra, bạn sẽ có thể giữ được bình tĩnh để có thể giải quyết được nó.
3. Tự nguyện chịu khổ
“Hãy có một số ngày mà trong thời gian đó bạn sẽ phải bằng lòng với thức ăn ít ỏi và rẻ tiền, mặc bộ đồ sơ sài và nói với bản thân rằng đây có phải là điều luôn khiến bạn sợ hãi không?” – Seneca
Tự nguyện chịu khổ là một cách để bạn tập làm quen với nghịch cảnh, với những điều bất tiện và phiền hà. Mục đích là để mở rộng vùng an toàn (comfort zone) để bạn có thể thích ứng với khó khăn sẽ xảy ra. Hãy thử một tuần không trà sữa, không cà phê, không ăn vặt bạn sẽ hiểu thích ứng với những điều này trong cuộc sống hiện đại khó khăn đến nhường nào.
4. Yêu lấy số phận của bạn
Thế giới đối với một nhà Khắc kỷ cơ bản được chia làm hai phần: những thứ có thể kiểm soát được và những thứ không kiểm soát được. Những người theo trường phái Khắc kỷ chỉ cố gắng tập trung vào những điều có thể kiểm soát được. Và số phận thì không nằm trong đó.
Vì thế những người Stoic khuyên rằng đừng nên mong chờ thực tế thay đổi. Thay vào đó, hãy chấp nhận và yêu nó. chúng ta không thể thay đổi những chuyện đã xảy đến với mình. Do đó, quyết định khôn ngoan nhất là chấp nhận thay vì chống lại những điều nhỏ nhất xảy đến với ta. Tức giận với những điều đang xảy ra chính là giả định là ta có sự lựa chọn và do ta đã chọn sai nên còn lại chỉ là cảm giác khổ sở.
5. Bệnh tật là chướng ngại đối với sức khỏe, không phải ý chí
“Bệnh tật là một chướng ngại đối với cơ thể chứ không phải đối với ý chí, trừ phi ý chí lựa chọn nó.” – Epictetus
Epictetus là giáo viên trường phái Khắc kỷ. Ông bị què một chân và lựa chọn điều này chính là trở ngại đối với cơ thể chứ không phải đối với ý chí. Những cơn đau thể xác chỉ ảnh hưởng đến cơ thể chứ không phải tâm trí. Khi bị đau đầu, ta hoàn toàn có quyền lựa chọn, hoặc rên rỉ vì cơn đau hoặc dũng cảm đương đầu với nó.
Mỗi chúng ta đều có thể sống một cuộc sống tốt đẹp. Chỉ là chúng ta phải biết cách bất biến giữa dòng đời vạn biến.
DƯƠNG XUÂN PHI