SỰ THẤU CẢM QUANH TA ĐANG QUÁ ĐỖI NGHÈO NÀN?

Thật rất tiếc khi phần lớn nhà trường chỉ chăm chăm truyền đạt kiến thức nặng nề ở sách giáo khoa, giáo trình dày cộp mà quên mất rằng, nguồn gốc của cuộc sống ý nghĩa không dừng lại ở việc sở đắc kiến thức, thu thập và kết nối các dữ kiện, mà là ở việc tạo ra một con người toàn diện và có trí tuệ. Một trong số đó phải nói đến lòng thấu cảm. Khi sách vở quá chật hẹp và thư viện gia đình dường như chưa được phổ quát ở Việt Nam, điển hình là các khu vực nông thôn với nhu cầu maslow đang dừng ở mức thể lý (thở, thức ăn, nước uống, tình dục, nghỉ ngơi, trú ngụ, bài tiết), con người ta chả còn tâm trí mà nghĩ đến sự thấu cảm. Họ đơn giản đấu tranh cho sự tồn tại và ít biết về sống một cuộc đời ý nghĩa. Tất nhiên, con người thị thành chưa hẳn đã tiến bộ hơn, khi xét trên bình diện sự thấu cảm.

Một trong những cuốn sách dạy cho tôi về lòng thấu cảm phải kể đến tác phẩm kinh điển “Giết con chim nhại” của nữ nhà văn Harper Lee. Cả cuộc đời bà chỉ viết mỗi cuốn sách này nhưng nó đã trở thành tác phẩm gối đầu giường gây chấn động bậc nhất trong lòng xã hội Mỹ kể từ khi ra đời (1960) cho đến ngày hôm nay. Trong cuốn sách, có một câu nói của bố Antticus Finch đầy ám ảnh: “Nhưng trước khi bố sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người”.

Người đàn ông da trắng này đã bỏ ngoài tai mọi định kiến gay gắt tại thời điểm đó giữa xã hội Mỹ để bào chữa cho một người da màu bị buộc tội cưỡng hiếp phụ nữ da trắng một cách sai trái. Chính lòng thấu cảm đi cùng sự thiện lương, chính trực của ông là bài học cho những đứa con ông, trước tiên, và sau cùng là xã hội Mỹ đầy thành kiến tàn nhẫn ở thời điểm đó, thậm chí cái bóng ấy hãy còn đeo đẳng đến ngày hôm nay. Cũng chính việc thoát khỏi bản thể, và đặt mình một cách tương tự vào trải nghiệm của người khác của nhân vật Antticus đã góp phần hóa giải – đẩy lùi nạn phân biệt chủng tộc, màu da ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Chưa kể, ông ta đã chịu sự chỉ trích vô cùng nặng nề của cộng đồng người da trắng khi đặt sự thấu cảm này lên trên hết. Sự thấu cảm của ông ta đã chiến thắng bóng đêm sợ hãi, và lòng dũng cảm biến ông trở thành kẻ tiên phong trong việc đánh thức sự thấu cảm ở người khác.

***Đôi khi, lòng thấu cảm của ta đang ngủ quên và cần được đánh thức.***

Bạn và tôi đang sống ở thế giới mà con người làm việc như đánh trận, họ chả còn có thời gian mà nghĩ đến người khác. Các thế lực kinh tế hùng mạnh xây dựng khu nghỉ dưỡng ở vùng cấm – các khu bảo tồn… gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực. Và dạo gần đây, một công trình nổi tiếng khác bị phản ánh tiêu cực trên hầu khắp các mặt báo, để chúng ta tự vấn bản thân rằng phải chăng bấy lâu nay mình đang đặt niềm tự hào ở nhầm chỗ? Chính việc thiếu đi sự thấu cảm của các thế lực hùng mạnh đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái, hủy hoại thiên nhiên và đời sống người dân. Phú Quốc, Quảng Ninh đang là những con gà mái đẻ trứng vàng nhưng những năm tiếp theo thì sao, với mức độ xây dựng không cân bằng, không đề cao quyền lợi của những tầng lớp yếu thế thì có nghĩa rằng, chúng ta cũng đang triệt tiêu đi tài nguyên quý giá của mình. Thế giới kiến trúc hẳn là nơi chất đầy sự thiếu hụt về mặt cảm thông.

Trái ngược với thấu cảm là vô cảm, và thật tiếc rằng ngày ngày chúng ta phải chứng kiến nó quá nhiều, và thậm chí ngay cả trong chính bản thân ta. Sự vô cảm trong một vụ tai nạn giao thông bên hè phố Sài Gòn gần đây là một ví dụ điển hình. Vụ việc xảy ra vào khoảng 3 giờ 12 phút ngày 25/06 tại giao lộ Tân Hương, Võ Công Tồn, Q. Tân Phú, một chiếc xe máy va vào góc tường của một nhà dân khiến chị Tiến và anh Long văng khỏi xe, nằm co giật. Đến 3 giờ 16 phút 55 giây, anh Long gắng gượng chồm dậy, lảo đảo ra đường cầu cứu nhưng không có ai lại gần. Trong khoảng 11 phút đó, có 5 xe ô tô, 1 xe tải, hơn 32 xe máy và 1 xe đạp với hàng chục người đi qua vị trí nạn nhân, nhưng tất cả – không một ai dừng lại. Sự vô cảm này khiến không ít người tỏ ra sợ hãi.

Liệu bạn sẽ ứng xử như thế nào trong trường hợp trên?

DƯƠNG XUÂN PHI

#duongxuanphi

Ý kiến của mình là