
Bạn có biết tác phẩm huyền thoại “Anh chàng Hobbit” của nhà văn Tolkien (1892 – 1973)? Dù là cuốn sách dạo đầu nhưng nó hoàn toàn thoát khỏi chiếc bóng của bộ ba kiệt tác lừng danh là “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, để vươn tới đỉnh cao kinh điển. “Anh chàng Hobbit” xứng đáng là cuốn sách thiếu nhi của mọi thời đại với những miêu tả choáng ngợp về một thế giới Trung Địa bao la, từ rừng thẳm, núi cao, hang sâu, tiên, rồng, yêu tinh, người khổng lồ… Thế nhưng, có một điều thật lạ, cha đẻ của tác phẩm lại là một người không chu du nhiều, cuộc đời ông trôi qua tĩnh lặng và bình thường giữa lòng nước Anh. Một ngày bình thường của Tolkien bao gồm việc đạp xe cùng các con đến những buổi cầu nguyện, giảng dạy tại Đại học Pembroke (Oxford), kèm cặp vài sinh viên, tận hưởng thú vui uống trà chiều và tỉa tót quanh khu vườn xinh xắn. Ông hiếm khi đi du lịch, gần như chưa bao giờ ra nước ngoài. Ông chỉ dẫn gia đình đến khu nghỉ mát phổ thông, dọc bờ biển nước Anh.
Nhưng, như ông chia sẻ, cuộc sống thường nhật bình yên là một trong những yếu tố mang đến cho ông một tâm trí đủ tĩnh lặng để sáng tạo nên những công trình đầy trí tưởng tượng với vô vàn chuyến phiêu lưu bất tận, hào hùng của những nhân vật sẵn sàng bỏ lại sau lưng những gì tầm thường để dấn thân vào hành trình cuộc đời vĩ đại và đầy thử thách. Chính Tolkien là “Anh chàng Hobbit”, ông đã chứng minh rằng sự chìm đắm trong trí tưởng tượng không phải là chạy trốn thực tại mà chính là tiếp cận nó. Ông hiểu rằng một cuộc đời bình thường cũng có thể đầy ắp tính phiêu lưu, bất chấp sự hạn hẹp của đời sống. Người đàn ông nước Anh nhận ra, hành trình quan trọng nhất của mỗi người là hành trình tâm linh, khám phá và làm chủ bản thân. Địa điểm lúc này chỉ là thứ yếu.
**Và thế, cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất là cuộc phiêu lưu không cần đến tấm hộ chiếu. **
Henry David Thoreau (một nhà triết học về tự nhiên trong mối quan hệ với đời sống con người) đã từng có câu nói như thế này: “Tôi đo đếm khoảng cách của nội tại, chứ không phải ở bề ngoài. Bên trong chiếc la bàn nằm giữa lòng ngực một người, có đủ không gian và bối cảnh cho bất cứ cuốn tiểu sử nào trong đời”. Chủ nghĩa xê dịch không sai, nhưng con người đã tung hô nó, để rồi mãi đi tìm sự tự do ở bên ngoài chứ không phải nội tại của họ. Để Thoreau phải nhận định thêm một điều nữa: “Lòng ngực của chúng ta đủ rộng rãi, nhưng chính tâm hồn mới là thứ đang rỉ sét. Hãy khám phá thế giới bên trong không mệt mỏi, và hạ trại mỗi ngày một gần chân trời phía tây hơn”. Hành trình quay về bên trong dẫu cô đơn, nhưng khi thực hành, chúng ta sẽ ngộ ra được một bài học rằng “cuộc phiêu lưu quan trọng nhất trong đời có thể bắt đầu ngay từ chỗ bạn ngồi”.
Có một bức tranh ám ảnh bất cứ ai yêu mến nghệ thuật, đó là hình ảnh anh chàng ngậm chiếc lá ngang miệng, nằm dưới cội cây, bắt chéo chân, và ngước lên nhìn bầu trời chim hót véo von ở phía trên – ý ẩn dụ tiếng ồn của đời sống bon chen bên ngoài. Và mặc cho tiếng ồn vũ trụ, thanh âm ấy chỉ như một bản piano nhẹ nhàng và mang đến cảm giác đầy tận hưởng cho nhân vật chính. Anh ta an nhiên trong khoảnh khắc đó, nhưng không phải con người nào cũng có thể đạt đến “cảnh giới” này. Mỗi sáng chúng ta ra đường, ngó nghiêng chiếc đèn giao thông chuyển đỏ, đếm ngược theo từng con số, nóng lòng phóng xe lên đường và thậm chí còn tuýp còi ngay khi đèn giao thông chỉ “5, 4,3 …” để người phía trước giật thột. Chúng ta sống nhanh như nhịp sống bên ngoài. Chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, và từ đó, đánh mất sự an yên của nội tại. Rồi lên Facebook, chúng ta nhìn thấy hình ảnh bạn bè đi chơi ở xứ nọ kia, ý thức của ta lúc này bắt đầu phân biệt, từ đó tạo ra sự so sánh hơn thua (thuộc về bản ngã, cái tôi). Cái tôi lúc này tạo ra đau khổ cho loài người. Cái tôi ấy khiến họ không có thì giờ để mà sống tỉnh thức (mindfulness).
***Không phải đau khổ khiến chúng ta suy nghĩ nhiều, mà suy nghĩ nhiều mới khiến chúng ta đau khổ.***
Bill Gates bắt đầu ngừng nghe nhạc và xem phim ở những năm 20 tuổi. Ông ngừng những trò giải trí này để tập trung vào lĩnh vực phần mềm. Cho đến những năm gần đây, ông bắt đầu tìm hiểu về thiền định, dù không phải là chuyên gia nhưng ông thực hành thiền từ 2 đến 3 lần mỗi tuần, và mỗi lần tầm 10 phút. Vợ ông, Melinda cũng thực hành phương pháp này. Thi thoảng, họ thiền cùng nhau. Thiền định là bài tập cho tâm trí, cũng tương tự như cái cách mà bấy lâu nay bạn thực hành tập gym hay yoga. Nhưng bạn có biết vì sao nhiều người có thể thực hành yoga và gym tốt nhưng khi thiền, họ không thể chịu nổi trong 30 giây? Rõ ràng, loài người chúng ta đã chú tâm quá nhiều đến những rèn luyện bề ngoài mà quên rằng tâm trí mới là bộ phận mỏi mòn và “đói khát” được “chữa lành” nhất.
Khi tìm hiểu những cuộc khủng hoảng tinh thần, tôi mới nhận ra một điều rằng ở bất cứ độ tuổi nào con người cũng có thể trầm cảm, hay rơi vào một triệu chứng tâm lý nào đó. Ngay cả thế hệ trung niên – được cho là thế hệ ổn định nhất về mặt trưởng thành và sự nghiệp, cũng rơi vào khủng hoảng. Người ta bắt đầu tìm đến chánh niệm (mindfulness) – thiền định (mediation) hay yoga để cân bằng đời sống tinh thần và thuần hóa tâm trí. Và thế, đến lúc suýt chết người ta mới nhận ra một điều rằng, tiền bạc suy cho cùng chỉ là công cụ, một tâm trí tĩnh lặng mới thật sự là cái mà nhà trường nói riêng và nền giáo dục này nói chung cần đào sâu. Bạn có nghĩ mình đang đi sai hướng?
Dương Xuân Phi
#duongxuanphi