Bán linh hồn của chính mình có lẽ là điều dễ dàng nhất trên thế giới này. Đó là điều mà người ta làm mỗi giờ trong cuộc đời họ. Nếu ai đó yêu cầu bạn hãy giữ lấy linh hồn mình, phải chăng nó còn khó khăn hơn?
Đó là lời của Ayn Rand, tác giả cuốn sách huyền thoại “Suối nguồn”. Và chắc hẳn ai từng đọc Suối nguồn đều không thể tin vào mắt mình khi hình dung nhân vật chính Howard Roark. Anh ta được tác giả xây dựng lên như một hình mẫu, là thứ không có thực ngoài đời. Như cái cách mà nhà văn Ayn Rand viết trong tác phẩm, ta không thể sống mà chấp nhận thực tại, ta phải hướng tới con người có thể hoặc phải là. Roark chính là hiện thân của tư tưởng ấy, là thứ con người có thể hay phải là trong tâm trí bà.
Howard Roark chưa từng bán tâm hồn mình cho “quỷ dữ” dù thực tại khắc nghiệt đến thế nào. Thế nhưng, kẻ quyền lực nhất truyện chính là Gail Wynand đã chấp nhận bán linh hồn mình cho đám đông thông qua tờ báo Ngọn cờ. Con người ta luôn lầm tưởng rằng chỉ cần tiếp tục sống hay tồn tại, tích lũy của cải, sự giàu có là đã thành công, nhưng nếu sống mà không có nguyên tắc hay giữ phẩm cách thì họ dễ bán đi tâm hồn mình, thứ quan trọng nhất và là thứ dễ dàng đánh mất nhất. Trong xã hội ngày hôm nay, con người ta đối mặt với từng quyết định mỗi giờ đồng hồ. Nếu không kiên định với giá trị sống đúng đắn, đồng nghĩa với việc họ bán linh hồn đi mỗi giờ đồng hồ ấy.
Có một câu văn đầy ám ảnh: ‘Khi mà lòng vị tha được đề cao như một đức hạnh thì xã hội này thực sự đã xuống cấp trầm trọng”. Từ bao giờ, con người ta đề cao rất mạnh chủ nghĩa vị nhân sinh, hay thứ bài học đạo đức hay rao giảng chốn trường học, rằng bạn phải sống quên mình và hy sinh vì người khác. Làm sao mà ta có thể sống vì người khác, mà chưa thể sống cho chính mình? Sự bất hạnh mà Ayn Rand đề cập cũng đồng nghĩa với sự bất hạnh khi con người ta bán đi linh hồn. Một người đã băng qua bao giai đoạn nghèo khổ và bất công như Roark hay Steve vẫn hiên ngang, vẫn mạnh mẽ và tôn trọng linh hồn của chính bản thân anh ta. Nhưng một kẻ như Peter thì mãi đợi chờ lòng thương hại của nhân loại. Anh ta là kẻ đáng thương nhất trong cuốn sách hơn 1000 trang giấy ấy.
Sống trong thời đại kinh tế chia sẻ, con người ta dễ dàng đối chiếu bản thân mình với những kẻ yếu thế hơn hay cao hơn. Và chính từ sự đối chiếu và so sánh ngấm ngầm trong tâm trí đó khiến họ không thể sống là chính mình. Hãy nhớ, mỗi con người đều có giá trị khác nhau, đều có những tiềm năng tiềm tàng chưa được khai thác. Thế nhưng, họ để cho cái tôi và thể khổ trong chính họ ngự trị và che khuất đi toàn bộ lý trí cùng lòng khát khao vươn lên trở thành một con người tốt đẹp.
Trong bộ phim “Những cánh buồm đỏ thắm”, tôi còn nhớ đoạn hội thoại ý nghĩa này giữa Assol và Philip:
Philip: “Hãy nhìn quanh cháu xem, mọi người làm việc như đánh trận, không có thời gian để ước mơ.”
Assol: “Không, chú nhầm rồi. Mỗi người đều có ước mơ, không thể không có được. Một ngư dân cũng có những ước mơ. Họ nghĩ họ sẽ bắt một con cá to hơn bất cứ con nào mà họ đã từng bắt được. Đó là giấc mơ của họ”.
Philip: “Ừ, ngư dân nào mà chẳng thế!”
Assol: “Không, chú Philip ạ. Mọi người đều mơ ước. Họ mơ ước bởi vì họ là con người”.
Không phải vì xã hội tất bật làm thay đổi con người mà chính vì con người đã thay đổi theo xã hội tất bật. Guồng quay công việc cùng những mưu toan, chuyện cơm áo gạo tiền khiến họ không có thì giờ để mơ về những điều tốt đẹp, mà chỉ toàn là những chuyện tầm thường, nhạt nhẽo. Khi không thể sống một cuộc đời mà chính bản thân họ khao khát sâu thẳm bên trong, họ dễ dàng bán đi linh hồn mình để trôi theo dòng nước. Hoàn cảnh rèn giũa sự kiên trì và lòng vươn lên của một con người, cũng giống như một viên kim cương được tạo ra từ thử thách nhiệt độ và áp suất rất cao.
Khi đối mặt với khó khăn, kẻ yếu đuối dễ dàng đổ lỗi, nhưng người kiên cường thì đầy lòng biết ơn.
DƯƠNG XUÂN PHI