Vấn đề lớn nhất mỗi khi sáng tạo đó là bạn càng hào hứng về những việc mà mình sẽ làm, những dự án lớn, những giấc mơ thì sẽ càng khó khăn hơn khi phải ngồi xuống để làm nó. Cái bẫy mà nhiều người mắc phải đó là ngồi hàng giờ nghiên cứu trước máy tính hay thậm chí tồi tệ hơn là nhìn chằm chằm vào trang giấy trắng nhưng không tìm được động lực để bắt đầu viết. Không phải là bạn không muốn viết hay không thể viết, đó là vì bạn đang sợ hãi, sợ mình không đủ tốt nên viết không đủ hay.
Như Steven Pressfield từng nói: “Có một bí mật mà những nhà văn chuyên nghiệp biết còn những ai mong muốn trở thành nhà văn thì không. Đó là viết một đoạn văn không hề khó, mà cái khó chính là làm thế nào để ngồi xuống và bắt đầu viết.” Ông đã mô tả “rào cản” ngăn một ai đó thực sự ngồi xuống viết đó là Resistance (sự kháng cự).
#1 SỰ KHÁNG CỰ
Pressfield đã từng nói rằng sự kháng cự chính là hàng rào đứng chắn giữa cuộc đời bạn ĐANG SỐNG và cuộc đời bạn MUỐN SỐNG, giữa cuộc sống HIỆN THỰC và cuộc sống LÝ TƯỞNG. Bạn đang muốn trở thành nhà văn trong khi chưa viết được một câu chuyện? bạn muốn trở thành họa sĩ nhưng không tập vẽ? Bạn muốn trở thành chủ doanh nghiệp nhưng không có kế hoạch dự trữ nguồn vốn kinh doanh? Xin chúc mừng, bạn chính là nạn nhân của sự kháng cự.
Theo những gì Pressfield nói, sự kháng cự là một hội chứng tâm lý nghiêm trọng trong xã hội hiện nay. Ông nói rằng nó chính là con quỷ đang dần ăn mòn ước mơ và hi vọng trong mỗi con người. Hàng trăm triệu người bị nó đánh bại mà từ bỏ những ước mơ từ thuở thiếu thời, thậm chí còn không ngoảnh mặt nhìn lại dù chỉ một lần.
#2 SỰ TRÌ HOÃN
Sự kháng cự vô hình và diễn ra bên trong mỗi con người. Bạn có thể nghĩ rằng công việc, bạn bè, gia đình hay Internet đang giết chết sự sáng tạo của bản thân. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Có bao giờ bạn chỉ viết được một ít lại mở Facebook lên kiểm tra tin nhắn, bật truyền hình lên xem hay đon giản là đi uống nước. Bạn dặn lòng là mình chỉ nghỉ ngơi một chút, một chút thôi và sẽ quay lại để viết tiếp, nhưng đầu óc lại cứ suy nghĩ về 7749 điều khác. Và điều này liên tục xảy ra tạo thành một vòng lặp không hồi kết.
Nếu đã biết về sự kháng cự, đừng bao giờ xem thường sức mạnh của nó. Nó sẽ khiến bạn đi lệch khỏi những dự định ban đầu, làm bạn thường xuyên chậm deadline còn đầu óc thì mộng mị. Bạn dần rơi vào trạng thái Procrastinate (Trì hoãn).
Sự kháng cự xuất phát từ bản thân bạn và là kẻ thù do chính bạn tạo ra. Sự kháng cự thì tạo nên tính trì hoãn khiến cuộc sống bạn ngày càng xuống dốc.
#3 ĐỂ MAI TÍNH
Nếu bạn thường xuyên nói câu này thì bạn đang rơi vào trạng thái nguy hiểm. Bạn thường xuyên nói với bản thân: “Mình sẽ không làm được” trong suốt cuộc đời. Đây là điều sự kháng cự muốn bạ thừa nhận khi bị nó đeo bám. bên cạnh đó, những biểu hiện khác cho thấy bạn đang rơi vào cạm bẫy của sự kháng cự đó là: nuông chiều bản thân quá mức, nghiện mạng xã hội, thói quen thủ dâm, nghiện rượu, nước ngọt, tình dực, đồ ăn nhanh, cần sa… Tất cả đều có hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Pressfield cũng nói thêm là không phải sự nuông chiều bản thân nào cũng là biểu hiện của sự kháng cự. Tuy nhiên, nếu nuông chiều bản thân mà bạn vẫn thấy trống rỗng và không cảm nhận được sự thú vị của cuộc sống, khả năng cao là bạn đang bị sự kháng cự đeo bám. Trong tiềm thức, bạn thừa hiểu rằng khoảnh khắc bạn đồng ý đánh đổi mục tiêu lâu dài để đổi lấy sự thoải mái nhất thời, bạn đã thất bại.
#4 SỰ KHÁNG CỰ LIỆU CÓ PHẢI ĐỘC DƯỢC
Sự kháng cự xuất hiện khi bạn đối diện với những điều tiêu cực trong cuộc sống xung quanh. Khi bạn tự làm đau mình, chìm đắm trong thì hận, thường xuyên soi mói, chỉ trích người khác…
Đôi khi, sự kháng cự cũng trở nên có ích khi nó gợi ý cho bạn về điều bản thân cần. Nó chỉ co bạn đi theo tiếng gọi của bản thân, điều mà chỉ nhận ra khi cảm thấy sợ hãi, lo lắng, e dè trước một thử thách nào đó. Và những nỗi sợ này chính là thứ bạn phải học để đối mặt với nó. Bạn sẽ dần chấp nhận nó, sống chung với nó và yêu nó. Nếu thực sự không yêu thích việc mình đang làm, bạn sẽ không cảm nhận được bất cứ sự thú vì nào từ nó. Điều này khiến bạn dần sợ hãi công việc. điều khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
#5 LÀM CÁCH NÀO ĐỂ ĐÁNH BẠI SỰ KHÁNG CỰ
Câu trả lời mà Steven Pressfield đưa ra đó là bạn cần trở nên Pro và chuyên nghiệp. Và để trở nên chuyên nghiệp, bạn cần có triết lý và đức tin trong công việc, điều sẽ dẫn lối cho những người làm công việc sáng tạo. Bên cạnh đó, hôm nay bạn có thể là chuyên nghiệp nhưng ngày mai bạn vẫn có thể trở thành “tay mơ”.
Những người đạt đến trình độ chuyên nghiệp đều biết rằng chỉ với hành động bình thường như ngồi xuống và bắt đầu viết sẽ thúc đẩy cơ thể trải qua quá trình kỳ lạ, đạt đến trạng thái “dòng chảy” và tạo ra niềm cảm hứng vô tận. Dân chuyên nghiệp sẽ đám đối mặt với nỗi sợ trong khi kẻ nghiệp dư sẽ vì sự lo lắng về khả năng của mình mà dừng bước để đợi nỗi sợ biến mất. Một người chuyên nghiệp nỗi sợ sẽ luôn còn đó nên đằng nào chẳng phải đối mặt với nó nên họ sẽ bắt tay vào làm ngay.
Một người chuyên nghiệp luôn hiểu rằng thành công đến từ việc thuần thục những điều mà kẻ khác cho là tầm thường. Khi ấy tiền sẽ chảy vào túi họ hoặc có lẻ là không. Nhưng dò có thất vọng, dân chuyên nghiệp không bao giờ đổ lỗi cho xui xẻo, nghịch cảnh hay sự bất công vì cản bước mình. Họ chơi theo cách mà cuộc đời muốn họ chơi cùng và sẵn sàng bỏ đi sự tự cao để học hỏi vì họ hiểu rằng mình không bao giờ là người giỏi nhất. Họ đặt cả trái tim và kinh hồn vào công việc, để rồi khi hoàn thành rồi thì lùi lại để đánh giá thành quả một cách khắt khe nhất, cố gắng tìm kiếm lỗi sai để trở nên tốt hơn.
Và khi đã vượt qua được cái bẫy của sự kháng cự, bạn sẽ được dẫn lối đến sự sáng tạo, cho dù đó là lĩnh vực gì đi chăng nữa. Vào khoảnh khắc viết xong con chữ cuối cùng của kịch bản, chơi xong nốt cuối của bản nhạc, gõ những dòng code cuối cùng trong sản phẩm phần mềm, bạn có thể tự tin nói rằng: “Tôi làm được rồi.” Và khi bắt đầu dự án mới, cuộc chiến giữa bạn và sự kháng cự lại được bắt đầu ở một chương mới.
DƯƠNG XUÂN PHI