Đợt đó, người bạn ấy vừa vào Sài Gòn và không may trong khi đi dạo ở một hội chợ thì bị kẻ gian móc túi. Tiền hơn 7 triệu vừa rút để mai chi trả tiền nọ tiền kia vậy là đi tong. Mà số tiền ấy cũng là số tiền vừa bán chiếc máy ảnh mới mua. Bạn buồn và tức giận. Bạn nhắn tin cho một cư sĩ vừa quen biết ở Vũng Tàu:
“Cô ơi, hôm nay con buồn quá, con vừa mất 7 triệu đồng, đó là số tiền mà cha mẹ con vất vả làm ra, con mua máy ảnh, mà giờ con sơ suất mà đánh mất.”
Cô nhắn lại: “Vốn cái máy ảnh đó không phải của con, và số tiền đó cũng không phải của con, do vậy nó ra đi. Cũng không phải của cha mẹ đâu dù cha mẹ con làm ra nó. Nếu là của cha mẹ hay của con thì nó chẳng thế mất đi đâu. Con có hiểu không?”
“Con vẫn chưa hiểu lắm!”
“Đây là cách nghĩ về vô thường và nhân quả đó con à. Vô thường nghĩa là “không chắc chắn”, “thay đổi”, “không trường tồn”. Vô thường là một trong ba tính chất của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt). Hiểu vô thường sẽ khiến con không cố gắng chiếm hữu tất cả mọi thứ, không phản ứng tiêu cực trước cái mất mát, khổ đau. Hiểu vô thường là để con chấp nhận những gì xảy ra như nó đang là. Khi tư tưởng con nhận thức trên đời này không có gì là của mình, con sẽ an yên và bình thản trước cái mình được, trước cái mình mất. Nó không có nghĩa là dửng dưng, mà là một thái độ chấp nhận, con nhé.”
“Vậy còn thành trụ hoại diệt là gì hả cô?”
“Trong vũ trụ, có một quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”: Bất kỳ sự vật nào cũng đều có một quá trình, từ hình thành cho đến phát triển thành thục, ổn định ở một trạng thái, tiến đến suy bại, cuối cùng bị hủy diệt. Cùng lúc với sự hủy diệt thì cũng đang thai nghén sự sinh thành cái mới của lần sau. Nghĩa rằng, con mất tiền rồi con sẽ lại có tiền, bằng chính sự cố gắng nỗ lực làm ăn của con. Con gieo hạt giống tốt, chăm chút cho hạt giống đó, thì con sẽ gặt quả ngon ngọt. Đó là nhân quả. Khi con gieo hạt giống xấu, mà còn không săn sóc, thì con cũng sẽ chẳng gặt lấy quả ngon.”
“Dù con hiểu rồi nhưng tại sao nỗi mất mát vẫn ở trong con?”
“Đó là một phản ứng bình thường của một con người bình thường thôi con. Nó không sai trái. Chỉ có điều, nếu con muốn tốt cho con, thì đừng nuôi dưỡng cái đau khổ và mất mát đó. Con cần nhận thức nó và để nó trôi đi. Khi đó, tâm con an và lòng con cũng tĩnh tại. Nó cần thời gian và sự rèn luyện của con. Bây giờ con hẳn vẫn còn tức giận vì tên trộm đã móc túi con. Nhưng rồi con thấy, giận cũng chẳng được gì, con sẽ chỉ nhận lại tổn thương về mình. Bằng con đường nhận thức, chúng ta sẽ chọn cái tốt cho tâm ta.”
DƯƠNG XUÂN PHI
Hãy comment ý kiến của bạn và share bài viết để giúp đỡ nhiều người xung quanh bạn tích cực hơn trong cuộc sống và đó cũng là cách cám ơn để tôi viết nhiều bài hay hơn để các bạn đọc nhé.