Nhiều người cho rằng kiếm tiền là tội lỗi. Đối với họ, kinh doanh giống như một trò chơi tổng bằng không: Chiếc bánh thị trường là bất biến, khi một doanh nghiệp có được miếng bánh lớn hơn, thì hẳn là đã cướp lấy phần của một doanh nghiệp khác. Lợi nhuận của một sàn thương mại điện tử có thể tăng, nhưng hoàn toàn dựa trên thiệt hại của một sàn thương mại điện tử khác. Cũng giống trong quá khứ, nhà vua Anh trở nên giàu có hơn dựa trên việc cướp bóc từ nhà vua Pháp. Chiếc bánh giá trị có thể chia được nhiều kiểu khác nhau, nhưng chiếc bánh này không bao giờ lớn lên.
Năm 1776, Adam Smith, nhà kinh tế học nổi tiếng xứ Scotland, đã xuất bản cuốn sách “Của cải của các dân tộc” và đặt nền móng quan trọng cho nền kinh tế học hiện đại. Trong quyển sách này, Smith đã có một lập luận đi ngược lại niềm tin thời bấy giờ: Khi một thợ dệt, thợ đóng giày hay chủ đất có được lợi nhuận nhiều hơn nhu cầu của bản thân và gia đình, họ sẽ sử dụng phần thặng dư để thuê thêm nhân công nhằm làm tăng thêm lợi nhuận mình tạo ra được. Càng nhiều lợi nhuận tăng thêm, càng nhiều nhân công được thuê và sản xuất càng được mở rộng. Từ đó, sự gia tăng liên tục lợi nhuận của những cá nhân khởi nghiệp cuối cùng lại dẫn đến việc gia tăng sự giàu có và thịnh vượng của tập thể.
Ý nghĩ rằng việc trở nên giàu có chỉ có thể dựa trên bóc lột hoặc cướp từ người khác chỉ là quan điểm cổ hũ trong quá khứ. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới tư bản đã tiếp nhận và đang vận hành theo những lập luận của Adam Smith như một điều hiển nhiên. Nhà kinh tế học người scotland đã tuyên bố rằng ham muốn vị kỷ của cá nhân muốn trở nên giàu có hơn nữa hóa ra là cơ sở cho sự giàu có của xã hội. Đây là một trong những ý tưởng đột phá nhất trong lịch sử loài người, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn về vấn đề đạo đức và hội.
Smith đã nói rằng mô hình kinh doanh dựa trên sự tăng trưởng là một tình huống “đôi bên cùng có lợi”, trong đó lợi nhuận của tôi cũng là lợi nhuận của bạn. Mỗi người đều có thể thưởng thức phần bánh to hơn trước. Phần bánh tăng thêm của bạn phụ thuộc vào phần bánh tăng thêm của tôi. Nếu tôi nghèo thì bạn cũng nghèo, bởi vì tôi không có đủ tiền để chi trả cho hàng hóa hoặc dịch vụ của bạn. Nếu tôi giàu thì bạn cũng giàu, vì bạn có thể bán cho tôi sản phẩm của bạn.
Trên thực tế, lý thuyết của Adam Smith hoàn toàn chính xác. Bằng chứng là trong vòng 500 năm trở lại đây, tổng giá trị kinh tế thế giới đã tăng lên nhiều lần dù trước đó đã không thay đổi nhiều. Từ năm 1500 – nay, tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã tăng từ 250 tỷ USD lên 60.000 tỷ USD. Trùng hợp thay, năm 1500 chính là thời điểm bùng nổ của khoa học – công nghệ, thương mại và chủ nghĩa tư bản trên toàn cầu.
Lý thuyết kinh tế của Adam Smith đã phủ nhận sự mâu thuẫn giữa đạo đức và giàu có, đồng thời minh oan cho những ai theo đuổi con đường làm giàu chính đáng. Giàu có trở thành đạo đức khi một người làm giàu không phải bằng cách bóc lột từ những người xung quanh mà bằng cách làm tăng miếng bánh và giúp tất cả cùng trở nên giàu có. Khi miếng bánh to lên, mọi người đều cùng được hưởng lợi. Hóa ra, người giàu là những người hữu ích và rộng lượng nhất trong xã hội, vì họ là những người đã quay chiếc bánh xe tăng trưởng mang đến lợi ích cho toàn xã hội. Bằng cách trở nên giàu hơn, bạn đã đem lại lợi ích cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng cho bản thân mình. Đây chính là lúc vị kỷ chính là vị tha.
Mặt khác, việc cá nhân giàu có có giúp tập thể tiến bộ hay không phụ thuộc việc người đó có sử dụng lợi nhuận của mình để đầu tư mở rộng kinh doanh thay vì lãng phí vào tiêu dùng cá nhân hay không. Tái đầu tư vào sản xuất chính là cách chủ nghĩa tư bản vận hành và giúp cuộc sống trở nên tốt hơn.
Vậy nên, người giàu có không phải ai cũng dựa trên mánh lới hay bóc lột từ người khác. Rất nhiều người giàu đơn giản là biết cách tái đầu tư vốn để đạt tăng trưởng kinh doanh để làm giàu cho chính mình và những người xung quanh.
DƯƠNG XUÂN PHI
Hãy comment ý kiến của bạn và share bài viết để giúp đỡ nhiều người xung quanh bạn tích cực hơn trong cuộc sống và đó cũng là cách cám ơn để tôi viết nhiều bài hay hơn để các bạn đọc nhé.